- 20/06/2018
- 2095
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai với mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Ảnh minh họa
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên cả nước được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở bảo đảm an toàn;...
Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng
Một trong các giải pháp tổng thể là về cơ sở hạ tầng, đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập úng đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,…
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp quốc gia, cấp tỉnh, từng bước hiện đại hóa tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng, chống thiên tai.
Một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng miền
Nghị quyết cũng nêu cụ thể một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng miền. Theo đó, với vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực.
Với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đảm bảo an toàn đê điều, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, hồ chứa nước xung yếu.
Còn với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, tập trung nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão; xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho lưu vực sông; xử lý công trình hạ tầng (vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt.
Vùng Tây Nguyên xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác phòng, chống thiên tai.
Theo chinhphu.vn