- 24/07/2023
- 1359
Cùng với biến đổi khí hậu, hiện tượng El Ninõ được dự báo sẽ làm cho thời tiết ở nhiều khu vực thêm khắc nghiệt.
Mưa lớn nhiều nơi ở châu Á, sóng nhiệt hoành hành ở Nam Âu, Mỹ đang ảnh hưởng lớn đời sống của người dân các khu vực này. Các kiểu thời tiết này xảy ra trong bối cảnh El Ninõ đã bắt đầu, và theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiện tượng này sẽ khiến thời tiết nhiều nơi diễn biến thất thường hơn. Diễn biến này có nguy cơ đe dọa tính mạng người dân nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các khoa học thì El Ninõ chỉ là tác nhân cộng dồn khiến thời tiết trở nên cực đoan hơn. Nguyên nhân chính khiến thời tiết diễn biến nguy hiểm với mưa lũ, nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi vẫn là biến đổi khí hậu.
Nhân viên cứu hộ khắc phục hậu quả trận lũ tại Cheongju (Hàn Quốc) hôm 18-7. Ảnh: REUTERS
Nơi lũ quét, nơi nắng rát
Từ đầu tháng 7, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ở nhiều khu vực.
Ngày 10-7, các trường học ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) buộc phải đóng cửa do mưa lớn. Chính quyền các bang Himachal Pradesh và Uttarakhand yêu cầu dân không mạo hiểm ra khỏi nhà, trừ khi thật cần thiết.
Tờ Times of India đưa tin lũ lụt và lở đất do mưa lớn khiến 22 người thiệt mạng ở các bang miền bắc Ấn Độ. Lũ lớn cuốn trôi nhiều công trình hạ tầng, nhà cửa của người dân.
Tại Hàn Quốc, ngày 17-7 nhà chức trách cho biết mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất làm 40 người chết và hơn 10.000 người phải đi sơ tán. Hơn 900 trường hợp thiệt hại tài sản công và tư, trong đó có 146 con đường bị phá hủy, 59 bờ kè bị vỡ và 139 ngôi nhà bị ngập.
Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến khu vực phía nam Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, sáng 14-7, hơn 2.600 người dân ở thành phố Trùng Khánh phải sơ tán sau khi mưa lớn làm ngập đường phố và nhà cửa.
Theo cơ quan khí tượng địa phương, mưa bão ảnh hưởng 28 quận và huyện của Trùng Khánh, với lượng mưa kỷ lục 227 mm được ghi nhận tại quận Vạn Châu. Mưa lớn cũng khiến nước của 44 con sông ở Vạn Châu dâng cao từ 1-4 m.
Trong khi đó, châu Âu đang oằn mình giữa đợt nắng nóng gay gắt. Nhiều vùng của Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Ý đang phải đối mặt nắng nóng rát da, với nhiệt độ trên 40 độ C. Mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trên lục địa châu Âu là 48,8 độ C. Theo cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), một số vùng ở Ý có thể chạm mức kỷ lục này nếu nắng nóng tiếp diễn.
Cháy rừng lan sang một ngôi nhà ở Hy Lạp hôm 17-7. Ảnh: REUTERS
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết đối lập. Tại bang Pennsylvania ở phía bắc, mưa lớn và lũ quét cuối tuần qua khiến 5 người thiệt mạng. Trước đó, lũ lụt cũng cuốn qua khu vực thung lũng Hudson (New York). Nhiều cư dân tại đây cho biết đây là trận lũ tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến, kể từ khi cơn bão Irene tàn phá khu vực vào năm 2011.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), trong ngày 16-7, mức nhiệt ghi nhận tại thung lũng Chết (bang California) có khi đạt 53 độ C. Theo tờ USA Today, trong 30 ngày qua, gần 1/3 dân số Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng của nắng nóng.
El Ninõ khiến thời tiết thêm khắc nghiệt
Mức nhiệt cao gần đây ở châu Âu được cho là không phải do hiện tượng El Ninõ trực tiếp gây ra. Song theo WMO, giai đoạn đầu của hiện tượng El Ninõ có đóng góp vào nguyên nhân gây nên các cơn sóng nhiệt này.
“Có khả năng hệ thống áp suất cao và biến đổi khí hậu là những tác nhân chính gây ra sự kiện sóng nhiệt lần này ở châu Âu” - theo Tiến sĩ Melissa Lazenby, giảng viên về biến đổi khí hậu tại ĐH Sussex (Anh).
Các cơn mưa lớn tại Ấn Độ là hiện tượng thường thấy trong mùa gió mùa ở Nam Á. Theo hãng tin AP, mùa gió mùa thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, tạo nên lượng mưa lớn cho Nam Á.
El Ninõ khiến mùa gió mùa năm nay ở Ấn Độ đến trễ hơn. Biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ở khu vực này trở nên khó lường hơn.
Sắp tới, khi El Ninõ bắt đầu có những tác động rõ rệt, các nhà khoa học dự đoán thời tiết ở nhiều nơi sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Sự kết hợp giữa El Ninõ và biến đổi khí hậu có thể tạo nên những kỷ lục thời tiết.
Ruộng lúa khô hạn ở ngoại ô thành phố Ahmedabad (Ấn Độ) vào đợt El Ninõ năm 2015. Ảnh: REUTERS
WMO cảnh báo hiện tượng El Ninõ lần này có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ vào năm 2016 - vốn là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
"El Ninõ thường liên quan đến việc phá vỡ nhiệt độ toàn cầu. Hiện vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay năm 2024” - theo ông Carlo Buontempo, giám đốc chương trình Quan sát Trái Đất Copernicus của Liên minh châu Âu.
Tổng thư ký WMO - ông Petteri Taalas dự báo “El Ninõ sẽ làm tăng khả năng các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ và gây ra mức nhiệt cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương”.
Đồng tình với ông Taalas, ông Tào Định Duệ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Trung văn Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng “El Ninõ có thể làm trầm trọng thêm tác hại của các đợt nắng nóng, vốn đã rất nghiêm trọng ở một số vùng”.
Tổng thư ký WMO khuyến nghị để đảm bảo an toàn và sinh kế cho người dân, các chính phủ phải thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết bất ổn tiếp theo trong năm nay.
“Các chính phủ trên khắp thế giới cần huy động các biện pháp chuẩn bị, để hạn chế các tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế” - ông Taalas nói.
https://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/el-nino-khien-thoi-tiet-the-gioi-them-kho-luong.aspx