- 25/07/2018
- 2043
Nhằm tăng cường năng lực công tác tham mưu, điều hành của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo TW về PCTT tổ chức Hội nghị PCTT khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2018. Hội nghị diễn ra vào ngày 24/7/2018 tại TP. Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ BCH PCTT và TKCN, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Tuyên giáo địa phương, Chủ tịch UBND các huyện của 16 tỉnh/TP trong khu vực.
Báo cáo về tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 của khu vực, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT Vũ Xuân Thành nhấn mạnh “Do đặc điểm điều kiện tự nhiên, khu vực Miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai với tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Năm 2017 là năm thiên tai xảy ra khốc liệt và có diễn biến bất thường không chỉ trong phạm vi cả nước, mà đặc biệt tại các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Trong ba tháng cuối năm, liên tiếp từ tháng 10 đến 12/2017 đã có 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đặc biệt có 02 cơn bão mạnh đổ bộ vào miền Trung: bão số 10 (Doksuri) có sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh-Quảng Bình (nam Đèo Ngang); bão số 12 (Damrey) có gió giật mạnh cấp 12-13, đổ bộ vào Phú Yên-Khánh Hòa đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản’
Dù vậy, nhờ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong triển khai nhiệm vụ; nổi bật là công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai, đáp ứng kịp thời có hiệu quả, góp phần lớn giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất. Tuy nhiên khó khăn thách thức vẫn còn nhiều: Thiệt hại về người vẫn còn lớn (đặc biệt là do bảo số 12), nguyên nhân chính vẫn do một số bộ phận người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp. Quỹ Phòng, chống thiên tai chưa thực sự phát huy được hiệu quả, tình trạng chậm phục hồi sản xuất tại các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, chưa tận dụng hết các nguồn lực tại chỗ cũng như nguồn thu từ Quỹ phòng, chống thiên tai.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 12 “ Chủ động trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt công tác ứng phó phải quyết liệt, đồng bộ, sát thực tế của từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trước khi có thiên tai. Nâng cao năng lực chỉ huy phòng tránh thiên tai đặc biệt là ở cấp ở cơ sở (xã, thôn); phải sâu sát cơ sở, linh hoạt, nhạy bén. Rất cần thiết xây dựng quy chế phối hợp của Ban chỉ huy PCTT và TKCN với các lực lượng, tổ chức liên quan ở từng địa phương để chủ động ứng phó, phối hợp tốt trong việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ”
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện của xã Nhơn Phúc, An Nhơn, Bình Định cho rằng “Muốn thực hiện phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản phải thực hiện tốt “Phương châm bốn tại chỗ”, muốn thực hiện được hoạt động chỉ huy tại chỗ thì lực lượng tại chỗ phải đầy đủ, sẵn sàng và hoạt động có chất lượng; phải chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư tại chỗ và việc hậu cần tại chỗ phải quan tâm đầy đủ và kịp thời. Phải tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai trước khi lập kế hoạch phòng chống thiên tai, có đánh giá đúng mới đưa ra được giải pháp phù hợp, tổ chức diễn tập, luyện tập kỹ năng thực hành xử lý tình huống tình huống khi có thiên tai xảy ra cũng như tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân luôn chuẩn bị đề phòng và biết cách xử lý tình huống trước, trong và sau thiên tai”
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực BCĐ TW PCTT Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài nêu rõ những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới:
- Về bộ máy tổ chức: Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp nhất là cấp huyện, cấp xã; xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể và nghiêm túc triển khai thực hiện; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ.
- Thực hiện xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực PCTT tại địa phương; trong đó chú trọng bố trí nguồn lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Ban chỉ đạo TW PCTT đã có trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai, nơi kết nối, tương tác giữa những nhà quản lý, cán bộ PCTT và cộng đồng,người dân. Các địa phương cũng nên thực hiện theo hướng này. Xây dựng hình thức truyền thông phù hợp,hấp dẫn như những câu chuyện truyền thanh phát trên hệ thống phát thanh xã phường sẽ rất hiệu quả.
- Rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; phương án ứng phó với lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét,...đảm bảo sát với thực tiễn, đẩy mạnh thu Quỹ phòng, chống thiên tai tại địa phương và sử dụng hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai.
- Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về an toàn hồ đập, đê điều nâng cao năng lực dự báo mưa trên lưu vực cho tất cả các hồ, đập; nâng cao năng lực quản lý, vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Năm 2017, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cụ thể
- Về người: Người chết: 137 người (Do bão số 12: 107 người; do dông, lốc, sét: 09 người; các đợt thiên tai khác: 21 người). Người mất tích: 20 người. Người bị thương: 430 người (Do bão và mưa, lũ: 421người; do dông, lốc, sét: 09 người).
- Về nhà ở: Tổng số nhà đổ, sập, cuốn trôi: 4.055 cái; Tổng số nhà tốc mái, hư hỏng: 234.667 cái;Tổng số nhà bị ngập: 172.341 cái.
Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng: 31.765 tỷ đồng.
http://phongchongthientai.vn/