- 30/03/2018
- 2482
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan, điển hình là hai năm gầy đây. Để góp phần làm giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, trước tiên cần phải nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng, các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn lịch sử xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân, 5 trận lũ lớn liên tiếp tại khu vực miền Trung gây ngập úng kéo dài,… thiên tai đã làm 286 người chết và mất tích, 5431 nhà bị đổ, sập, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; UVTT – CVP Ban Chỉ đạo TW về PCTT
Năm 2017, là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 10 và số 12 đổ bộ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đợt mưa lớn diện rộng cuối mùa vào giữa tháng 10, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy; mưa lũ đặc biệt lớn (xấp xỉ mức lịch sử) sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung; lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam; sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung,…Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã làm 386 người chết và mất tích; 8100 nhà đổ sập; 550.000 nhà bị ngập, tốc mái; 350.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại...tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.
Nói về những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; UVTT – CVP Ban Chỉ đạo TW về PCTT cho hay: “Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tích cực của nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai, nhiều biện pháp chủ động phòng chống thiên tai đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, những tổn thất do thiên tai gây ra vẫn còn lớn, nhất là về kinh tế. Bên cạnh yếu tố bất thường của thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn ở mức chưa cao. Một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn là do nhận thức của các cấp chính quyền còn hạn chế, bất cập, chủ yếu tập trung cho hoạt động ứng phó, chưa quan tâm đúng mức cho phòng ngừa và khắc phục hậu quả. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn chưa cao trong quá trình sản xuất, sinh hoạt; một số bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai; tập quán sinh sống, sản xuất ven sông, suối, ven biển, vùng thấp trũng; một số hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã làm gia tăng rủi ro thiên tai dẫn đến rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra còn rất lớn”.
Ông Hoài cũng chỉ ra, công tác nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dân mà cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội, phải chuyển hướng nhận thức và hành động “lấy phòng ngừa là chính”.
“Trước những thách thức và yêu cầu mới trong công tác phòng chống thiên tai, cần tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, những người làm công tác phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai, xác định các rủi ro thiên tai và giải pháp ứng phó phù hợp cho từng nhóm cộng đồng người dân và khu vực. Tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó cần phát huy, nhân rộng các bài học tốt trong cộng đồng người dân trong đó có các giải pháp truyền thống và giáo dục qua các hình ảnh, tư liệu, sự kiện thiên tai lịch sử. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để tăng sự chủ động tham gia, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng người dân”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
phongchongthientai.vn