Tình hình hạn hán vụ Đông Xuân năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến ngày 16/3/2020
  • 18/03/2020
  • 3555

Năm 2019, các vùng trong tỉnh có tổng lượng mưa năm phổ biến đạt giá trị trung bình nhiều năm. Vào đầu vụ sản xuất Đông xuân năm 2019 - 2020, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mực nước dâng bình thường. Mực nước các sông, suối từ tháng 12/2019 đến tháng 02/2020 phổ biến dao động theo xu thế giảm; so với TBNN cùng thời kỳ mực nước thấp hơn từ 2,00 – 2,50m; lượng dòng chảy thấp hơn từ 40 – 60%. Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5/2020 mực nước sông, suối tiếp tục giảm, suối vừa và nhỏ có thể bị khô cạn; lượng dòng chảy phổ biến thiếu hụt khoảng 50 - 70% so với TBNN cùng kỳ, nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tưới cũng như sinh hoạt trong mùa khô của nhân dân trong tỉnh.

Nguồn nước các sông suối và nước ngầm: So với trung bình cùng kỳ nhiều năm, mực nước sông suối, và nước ngầm duy trì mức thấp hơn, lượng dòng chảy mặt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thiếu hụt phổ biến khoảng 50 - 70%. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn các huyện bị cạn kiệt, đặc biệt sông Krông Nô, sông Krông Pách mực nước xuống quá thấp, lượng dòng chảy giảm mạnh. Nguồn nước ngầm, mực nước và lưu lượng giảm. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 2 - 4m, cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.

Nguồn nước các công trình thủy lợi: Hiện nay, các hồ chứa mực nước giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng; hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 40% dung tích thiết kế, trong đó có 19 hồ cạn khô, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 50 – 70% dung tích thiết kế (cá biệt một số hồ lớn còn dưới 40% dung tích thiết kế như tại huyện Lắk, Hồ Buôn Triết 36%, hồ Ja Tu 26%; huyện Krông Pắc, hồ Suối Hai 18%, hồ Buôn Hằng 1B 35%); số hồ có nguồn sinh thủy tốt duy trì mực nước dâng bình thường (37 hồ); nhiều đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy trên suối giảm mạnh; các trạm bơm, mực nước sông xuống quá thấp so với Trung bình nhiều năm, phải nạo vét kênh dẫn, bể hút hoặc đắp đập chặn dòng để đảm bảo nguồn nước phục vụ bơm tưới (điển hình trạm bơm Ea Rbin, xã Ea Rbin, huyện Lắk đã phải lắp đặt 02 máy bơm dã chiến bơm nước sông Krông Nô chống hạn).

Tình hình hạn hán Đối với nước sinh hoạt: Có xảy ra thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số địa phương như: các xã Ea Hleo, Ea Sol, Cư Amung, huyện Ea Hleo (30 hô); các xã Ea Trul, Jang Réh, huyện Krông Bông (127 hộ); các xã: Ia R’vê, Ia Lốp, Cư Kbang huyện Ea Súp (khoảng 300hộ); giải pháp khắc phục hiện nay các hộ chủ động chia sẻ nguồn nước trong vùng để đảm bảo phục vụ sinh hoạt. Các hộ thiếu nước sinh hoạt ở 3 xã của huyện Ea Súp chủ yếu sử dụng nguồn nước công trình giếng khoan cấp nước tập trung tại các thôn, hiện nay giếng bị cạn kiệt địa phương đã tổ chức khoan sâu các giếng bị cạn kiệt để khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên nguồn nước ngầm tầng sâu ở khu vực này bị nhiễm đá vôi, nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình để ăn uống.

Tình hình hạn hán Đối với sản xuất nông nghiệp: Có 260ha cây trồng bị hạn, trong đó 159ha lúa và 101 ha cây hoa màu (tại huyện Krông Bông). Các địa phương khác cục bộ một số diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới và đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán. 

Dự kiến tình hình hạn trong thời gian tới: Với diện tích cây trồng hiện có, thực trạng nguồn nước và thông tin dự báo thời tiết, đến giữa tháng 4/2020 nếu chưa có mưa dự kiến toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm 4.000 ha, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm), trong đó diện tích không còn nguồn nước để chống hạn có khả năng bị mất trắng  khoảng 2.000 ha (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha lâu năm); tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra ở nhiều thôn buôn, kể cả khu vực có công trình cấp nước tập trung do giếng khoan bị cạn (dự kiến khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước); hạn hán, thiếu nước tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Cư Mgar, Buôn Đôn, Ea Hleo, Krông Buk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp, …. 

Phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng, từng lĩnh vực cơ bản:

- Diện tích cây trồng do Công ty TNHH MTV QLCTTL tỉnh đảm nhiệm tưới là 49.730ha, trong đó gồm: 22.564 ha lúa, 25.074 ha cà phê, 1.822 ha hoa màu và 270 ha thủy sản. Dự kiến triển khai thực hiện giải pháp tăng cường chống hạn vào thời kỳ cuối vụ với tổng diện tích khoảng 4.140 ha cây trồng các loại, trong đó:  Lúa 2.818ha (tập trung một số huyện trọng điểm như Lắk 965ha, Ea Súp 370ha, Krông Pắc 312ha, Krông Ana 246ha, Buôn Hồ 246ha), cà phê 1.263ha, hoa màu 44ha và thủy sản 15ha. (giải pháp chống hạn chi tiết được thể hiện trong phương án do Công ty xây dựng và phê duyệt). 

- Các Hợp tác xã Nông nghiệp và các tổ hợp tác đảm nhận tưới 22.067 ha cây trồng; trong đó 10.223 ha lúa, 157 ha màu, 11.671 ha cà phê và 16 ha thủy sản. Nguồn nước phục vụ tưới cơ bản đảm bảo, tuy nhiên khi mực nước sông xuống thấp cần nạo vét kênh dẫn, nối dài ống bơm để phục vụ tưới; Giải pháp chủ yếu: Nạo vét kênh, lắp đặt các trạm bơm để khai thác nước sông, suối tưới cho vùng bị hạn vào cuối vụ. Dự kiến cuối tháng 3, diện tích cần chống hạn khoảng 2.000ha, trong đó khoảng 300 ha lúa và khoảng 1700 ha cây lâu năm. 

- Các Công ty cà phê và các hộ sản xuất phục vụ tưới khoảng hơn 200.000 ha cây trồng các loại; trong đó khoảng 8.000ha lúa, 17.000ha cây hoa màu hàng năm và khoảng 180.000ha cây lâu năm các loại. Nguồn nước tưới cho diện tích này chủ yếu từ công trình thủy lợi, sông suối, nước ngầm. Dự kiến đến cuối tháng 3, diện tích cây trồng cần phải chống hạn khoảng 24.000 ha, trong đó có khoảng 1.000 ha lúa, 23.000 cây lâu năm. 

- Giải pháp đối với vùng có dòng chảy mặt nghèo kiệt, hồ chứa chủ yếu có dung tích nhỏ, nguồn nước chống hạn khó khăn như huyện Krông Buk, huyện Cư Mgar (các xã Ea Mdroh, Ea Tar, Quảng hiệp, Ea Kuêh), khu vực Đông Bắc huyện Ea Kar (các xã Ea Sar, Ea Sô, Xuân phú, Ea Dar, Cư Yang, Cư Bông), huyện Krông Bông (các xã Ea Trul, Yang Réh, Cư Pui), huyện Ea Hleo (Ea Son, Ea Hleo, Cư Ea Wy, Cư Amung). Giải pháp chống hạn chủ yếu bơm tận dụng dung tích chết các hồ chứa, giếng, khai thác nước ngầm từ giếng khoan; đắp đập tạm khai thác dòng chảy các suối để lấy nước tưới. 

- Giải pháp đối với vùng dọc các sông lớn (các Huyện Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, Ea Kar):  Ngoài việc lấy nước từ các hồ chứa, đập dâng còn có thể bơm trực tiếp từ các sông lên để tưới. Khi mực nước sông, hồ chứa xuống thấp tận dụng nguồn nước trên các trục kênh tiêu (nâng ngưỡng tràn, đắp đập tạm), lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến để bơm tưới cho diện tích bị hạn.

- Giải pháp đối với vùng sử dụng chủ yếu nguồn nước từ các công trình thủy lợi vừa và lớn như các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, phần Đông nam huyện Cư Mgar, Krông Pắc, một phần huyện Ea Kar: Tăng cường tu sửa kênh hạn chế rò rỉ gây tổn thất nước; huy động nhân dân tổ chức nạo vét kênh mương, đặt các trạm bơm di động để kịp thời đáp ứng yêu chống hạn khi cần thiết hoặc có thể bơm nước từ dung tích chết của hồ để chống hạn. 

- Giải pháp đối với vùng chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các công trình vừa và nhỏ như: Krông Năng, phía Tây Nam của huyện Ea Kar, một phần huyện M’Drak, huyện Ea H’leo, Thị xã Buôn Hồ: Tăng cường quản lý nguồn nước và điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý, tiết kiệm. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương; tăng cường đắp đập tạm tận dụng nguồn nước suối, nguồn sinh thủy hiện có; khai thác nước ngầm để phục vụ chống hạn.

Các Biện pháp chủ yếu đã thực hiện trong công tác phòng, chống hạn:

- Biện pháp công trình: Đối với các hồ chứa đảm bảo điều kiện an toàn chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ. Với số lượng hồ chứa lớn, giải pháp này có thể tăng thêm hàng chục triệu m3 nước để chống hạn; đối với hệ thống kênh mương, triển khai nạo vét, sửa chữa khắc phục những sự cố hư hỏng đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất; đắp các đập tạm trên suối, trên các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến dọc ven sông suối, đặc biệt là các vùng ven sông, suối lớn như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar; lắp đặt trạm bơm khai thức mực nước chết của các hồ chứa; khoan giếng để khai thác nước ngầm; bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình dư thừa nước (hồ Krông Buk hạ, hồ Phú Khánh, đập Buôn Trinh, hồ Buôn Jong, hồ Ea Ral 1...) hỗ trợ cho công trình vùng hạ du không đủ nước. Từ đầu tháng 3 đến nay các địa phương đã tích cực triển khai quyết liệt các giải pháp chống hạn nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới và sinh hoạt của nhân dân. Các hoạt động chống hạn chủ yếu gồm: nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, kênh dẫn và bể hút trạm bơm; tăng cường bơm chuyền, bơm bổ sung nhiều đợt để tưới cho diện tích cây trồng khó khăn nguồn nước; đào ao, đắp đập tạm, vận hành trạm bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước phục vụ chống hạn; khoan giếng, bổ sung nối dài đường ống cấp nước đảm bảo nước sinh hoạt, ... Khối lượng thực hiện chống hạn vượt định mức vụ Đông Xuân 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương tổng hợp để báo cáo theo quy định. 

- Biện pháp phi công trình: Tăng cường công tác quản lý, điều tiết; khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Ea Kar đã chuyển đổi 500 ha từ trông lúa sang trồng màu), thời vụ gieo trồng, sử dụng giống ngắn ngày (như ở huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mgar, Krông Bông), chịu hạn, phủ màng nilon hạn chế bốc hơi, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, nước tưới cho cây có giá trị cao, ...
 

 Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Đắk Lắk 

Thống kê truy cập

Đang truy cập 375
Tổng truy cập 3.800.939

Bản đồ hành chính

Liên kết website