- 21/06/2019
- 2451
Sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, trong năm 2018, tại Việt Nam, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường của thời tiết diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước như: xảy ra 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng; 23 đợt không khí lạnh… Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã làm 23 người chết và mất tích, 36 người bị thương và gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân.
Tại Đắk Lắk, năm 2018, thiên tai đã làm 4 người chết, 6 người bị thương, 1.832 ngôi nhà bị hư hỏng, 17 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, 11.389 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó có 4.015 ha mất trắng… thiệt hại ước tính 325 tỷ đồng. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, tình trạng hạn hán đã khiến 15.280 ha cây trồng các loại bị thiếu nước tưới, 2.265 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; xảy ra 8 vụ lốc tố, dông sét gây hư hỏng 70 nhà dân, 9 điểm trường với 14 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Để triển khai hiệu quả công tác PCTT và TKCN, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực như theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước và quốc tế nhằm chủ động cung cấp thông tin, dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó, di dời, sơ tán người dân khi có thiên tai; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập PCTT và TKCN; chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống… qua đó năm 2018, toàn quốc đã giảm 162 người chết vì thiên tai, thiệt hại về kinh tế giảm 40.000 tỷ đồng (67%) so với năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTT và TKCN hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tổ chức bộ máy PCTT còn thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; chế tài xử lý vi phạm trong PCTT còn thiếu và chưa đủ mạnh; quy trình tiếp nhận viện trợ, phục vụ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)
Theo dự báo, trong năm 2019, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ 10-12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp; lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất diễn ra ngày càng trầm trọng… Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các cấp, các ngành cần khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy PCTT các cấp, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT; rà soát, chuẩn bị hiệu quả các phương án PCTT và TKCN, tránh tình trạng bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT cho cộng đồng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo ngày càng kịp thời, chính xác; nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các công trình, kết cấu hạ tầng PCTT; nâng cao năng lực tham mưu, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo PCTT các cấp, các địa phương; tiếp tục củng cố, năng lực đội ngũ thực hiện công tác PCTT các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực cho công tác PCTT; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTT….
daklak.gov.vn