Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ứng phó với ElNino trên địa bàn tỉnh
  • 07/07/2023
  • 1376

Theo Bản tin nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dòng chảy trên các sông khu vực Tây Nguyên có thể thiếu hụt 15-25% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng. 

Triển khai thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3176/BTNMT-TNN ngày 09/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về việc thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ các tháng cuối mùa cạn năm 2023; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023.

Để chủ động phòng ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngày 15/6/2023Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công văn số 5036/UBND-NNMT yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp cấp bách. cụ thể:

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm từ 2014 - 2016.
b) Tổ chức theo dõi diễn biến nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó theo quy định; chủ động cập nhật thông tin, tổng hợp tình hình thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do nắng nóng, hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh (nếu có) tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. 
d) Phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, phục vụ chăn nuôi và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
b) Chỉ đạo tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm trữ nước trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng.
c) Chỉ đạo tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
d) Chỉ đạo thực hiện rà soát nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến các vùng nuôi trồng thuỷ sản, bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng nuôi, vùng sinh thái, giảm thiểu tối đa thiệt hại do tác động của hạn hán; hướng dẫn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như loài nuôi có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cao, dễ thích nghi với biến đổi môi trường nuôi.
đ) Chỉ đạo tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi nắng nóng, nuôi nhốt gia súc, cho ăn tại chuồng hoặc cố định gia súc ở những nơi có cây xanh bóng mát; giảm mật độ nuôi nhốt đối với gia cầm, lợn.
e) Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát các khu vực có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn nước cấp và khu vực thiếu nước sinh hoạt nông thôn, thực hiện giải pháp cân đối, điều chỉnh kế hoạch cấp nước; tăng cường khuyến cáo sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm tới từng hộ, thôn/ấp; thực hiện các giải pháp nâng cấp, nâng cao khả năng trữ, mở rộng tuyến ống tại các công trình cấp nước thuộc phạm vi quản lý; rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình, nhất là các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước dưới đất để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp; xây dựng phương án sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng; đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các công trình để kịp thời phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
f) Định kỳ tổng hợp kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước và giúp các địa phương khắc phục hậu quả do hạn hán (nếu có); tăng cường tổ chức diễn tập, tập huấn, huấn luyện nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là lực lượng tham gia Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.
5. Sở Công Thương:
a) Chỉ đạo Công ty Điện lực Đắk Lắk đảm bảo an toàn hệ thống điện, chủ động xây dựng các phương án đảm bảo cung cấp điện bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. 
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan và các chủ hồ/đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện xây dựng chế độ vận hành, điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân phía hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.
6. Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước.
7. Sở Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình cấp nước rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du.
8. Sở Tài chính phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công theo Kế hoạch trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
10. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường theo dõi, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin về thời tiết, diễn biến nắng nóng, hạn hán trong thời gian đến nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
11. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương; hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó nắng nóng, hạn hán cho người dân trên địa bàn.
12. Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk:
a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; xây dựng phương án vận hành, kiểm soát chặt chẽ việc vận điều tiết các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý nhằm phục vụ tốt công tác chống hạn, đặc biệt là các hồ chứa Krông Búk Hạ và Ea Rớt; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.
b) Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước đối với các công trình được giao quản lý để chủ động các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm từ 2014 - 2016.
c) Định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt trên nguyên tắc ưu tiên cung cấp các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, cây trồng hằng năm và lâu năm,..); đặc biệt lưu ý các hồ chứa nước điều tiết nhiều năm phải phân bổ theo đúng chu kỳ điều tiết, tránh phân bổ tập trung gây nguy cơ thiếu nước cho thời gian sau của chu kỳ.
d) Tổ chức thực hiện nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm trữ nước trong hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng để phục vụ sản xuất. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán; trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị thì báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
13. Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống hạn hán.
14. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm từ 2014 - 2016.
b) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có phương án sử dụng nước hợp lý, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
d) Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động để chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế và hộ gia đình.
đ) Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn. Đối với cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, sử dụng giống mới có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, thiếu nước. 
e) Tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt, v.v...), ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
f) Hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi nắng nóng, nuôi nhốt gia súc, cho ăn tại chuồng hoặc cố định gia súc ở những nơi có cây xanh bóng mát; giảm mật độ nuôi nhốt đối với gia cầm, lợn.
g) Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung. Trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, các địa phương, đơn vị có văn bản báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp đề xuất các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 05/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

VPTT Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Thống kê truy cập

Đang truy cập 535
Tổng truy cập 3.858.972

Bản đồ hành chính

Liên kết website