Tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến ngày 02/4/2019
  • 05/04/2019
  • 2234

Vụ Đông xuân 2018 -2019, toàn tỉnh có khoảng 316.000 ha cây trồng các loại cần tưới nước (lúa nước 40.000 ha; cây trồng cạn ngắn ngày 16.000 ha và cây trồng lâu năm 260.000 ha); Trong đó khoảng 145.000 ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 171.000 ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm. 
Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích hồ chứa có khoảng 650 triệu m3. Đến cuối năm 2018, các hồ chứa cơ bản đạt cao trình mực nước thiết kế, tuy nhiên một số hồ tại khu vực phía Đông tỉnh không đạt do lượng mưa thấp (điển hình như hồ Vụ Bổn chỉ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế); mực nước các sông suối phổ biến xấp xỉ và thấp hơn so với TB nhiều năm cùng kỳ.
Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi đã giảm mạnh, các hồ vừa và lớn phổ biến còn khoảng 40 - 70 % dung tích thiết kế; các hồ nhỏ chủ yếu gần đến mực nước chết hoặc đã cạn; (có 51 hồ chứa bị cạn, trong đó 44 hồ do công ty TNHH MTV quản lý). Mực nước các sông suối duy trì ở mức thấp, một số suối nhỏ không còn dòng chảy, mực nước ngầm giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018. 
Tính đến ngày 02/4/2018, theo thông tin từ các địa phương, tại một số huyện đang xảy ra hạn hán như: Ea Súp, Krông Pắc, Krông Buk, Buôn Đôn, Lắk, Krông Năng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra cục bộ ở một số địa phương do giếng đào bị cạn. Riêng địa bàn huyện Ea Súp từ cuối tháng 3 đến nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra khá phổ biến với 1234 hộ trên địa bàn toàn huyện (Ia Lốp 300 hộ, Cư Kbang 212 hộ, Ia R’vê 200 hộ, Ea Rôk 135 hộ, Ea Lê 105 hộ, Ya Tờ Mốt 97 hộ, Thị trấn 93 hộ và Ia Jlơi 92 hộ). Diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới khoảng 1500 ha, trong đó khoảng 1000 ha cà phê ở huyện Krông Buk; 60 ha cây ăn quả ở huyện Buôn Đôn và 440 ha cây ngắn ngày khác ở các huyện: Lắk, Krông Năng, Krông Pắc. 
Vừa qua (ngày 29, 30, 31/3), trên địa bàn tỉnh đã có mưa rải rác, trong đó một số vùng có lượng khá như: Huyện Krông Năng (Dliê Ya 71mm; Ea Toh 43mm); huyện Ea Kar (Xuân Phú 58mm); huyện Ea Súp (Thị trấn Ea Súp 60mm; Ea Rôk 32mm); huyện M’Drăk (thị trấn M’Drăk 36mm; Ea Pil 45mm, Cư Prao 47mm); Huyện Krông Bông (thị trấn 50mm; Cư Pui 32mm); các vùng còn lại phổ biến từ 10 – 20mm, một số vùng chưa có mưa. Tuy nhiên, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, đây là đợt mưa trái mùa. Dự báo, tháng 4 thời tiết chủ yếu: Ít mây đến mây thay đổi, phổ biến ít mưa, có ngày nắng nóng; thời kỳ giữa và cuối, có ngày có mưa rào và dông xảy ra vào chiều tối và đêm. Tổng lượng mưa tháng 4/2019 thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn hiện nay, dự kiến giữa tháng 4/2019 mức độ hạn hán sẽ tăng cao, đặc biệt trong thời kỳ cuối tháng 4/2019, tình hình thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh.
Ngay từ đầu tháng 11/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với hạn hán trong vụ sản xuất Đông Xuân năm 2018 – 2019 (Công văn số 9515/UBND-NNMT ngày 01/11/2018) với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phòng và chống hạn hiệu quả bảo vệ sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong đó tập trung một số giải pháp cơ bản cụ thể như:
- Cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất cây ngắn ngày phù hợp, đặc biệt giảm diện tích lúa nước; dừng sản xuất đối với diện tích không đảm bảo đủ nước tưới đến khi thu hoạch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp.
- Tăng cường quản lý nguồn nước, điều tiết cấp nước tưới luân phiên; khuyến khích áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như tưới phun mưa, nhỏ giọt); lập kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, …
- Phổ biến thông tin dự báo về hạn hán do ảnh hưởng El Nino đến người dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chống hạn, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; Huy động toàn dân tham gia làm thủy lợi và kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quản lý công trình gây thất thoát nguồn nước.
- Các địa phương xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó với hạn hán, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhiên liệu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống hạn kịp thời, hiệu quả theo phương châm bốn tại chỗ.
Ngày 12/3/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 646/SNN-PCTT về đôn đốc triển khai công tác chống hạn vụ Đông Xuân 2018 – 2019, trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chủ quản lý công trình thủy lợi tăng cường quản lý nguồn nước; căn cứ nguồn nước hiện có để điều tiết cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đôn đốc các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9515/UBND-NNMT ngày 01/11/2018, kịp thời huy động lực lượng, bố trí kinh phí hỗ trợ công tác chống hạn trên địa bàn theo quy định.
Các địa phương hiện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp chống hạn phù hợp với từng vùng, nhằm đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
* Một số khó khăn trong công tác phòng, chống hạn trên địa bàn
- Vấn đề chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng cây lâu năm khá lớn, phần diện tích này không điều chỉnh theo thời vụ được, đây là một khó khăn cho công tác phòng, chống hạn của tỉnh.
- Các hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh phổ biến có dung tích vừa và nhỏ. Nhiều công trình bị hư hỏng, bị bồi lắng không đảm bảo năng lực thiết kế. Hầu hết các đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế do dòng chảy mùa kiệt bị suy giảm. Diện tích cây trồng hàng năm có xu thế tăng. Vì vậy nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ khá phổ biến, chi phí chống hạn tăng cao do phải thực hiện nhiều biện pháp tạo nguồn. 
- Hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa còn khá nhiều, tỷ lệ nước tưới bị tổn thất đáng kể trong quá trình dẫn trên kênh đất góp phần gây ra tình trạng thiếu nước tưới vào thời kỳ cuối vụ.
- Nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm chưa cao, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, người dân sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả.
- Việc bố trí ngân sách cho hoạt động phòng, thiên tai theo quy định ở các cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức nên công tác phòng, chống hạn thường gặp khó khăn do thiếu kinh phí.
* Kiến nghị
- Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9515/UBND-NNMT ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về triển khai công tác ứng phó với hạn hán trong vụ sản xuất Đông Xuân năm 2018 – 2019; chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán theo quy định, đảm bảo đúng đối tượng; đồng thời triển khai các nội dung về công tác chống hạn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 646/SNN-PCTT về đôn đốc triển khai công tác chống hạn vụ Đông Xuân 2018 - 2019.
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 2137/VPCP-NN ngày 19/3/2019 về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Tây Nguyên, trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương phối hợp với các địa phương tổng hợp báo tình hình hạn hán, công tác phòng chống hạn và kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán trên địa bàn tỉnh để phối hợp tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn kịp thời. Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, lựa chọn một số dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi cấp bách, mang lại hiệu quả lâu dài phục vụ công tác phòng chống hạn hán để ưu tiên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Chính phủ bố trí kinh phí thực hiện nhằm từng bước khắc phục tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

Chi tiết tại đây.

 Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đắk Lắk 

Thống kê truy cập

Đang truy cập 19
Tổng truy cập 2.675.329

Bản đồ hành chính

Liên kết website