Triển khai công tác chống hạn vụ Đông Xuân 2018-2019
  • 01/04/2019
  • 1924
Tải về tài liệu đính kèm

Theo thông tin dự báo khí tượng thủy văn, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5/2019 khu vực Tây Nguyên tiếp tục chịu ảnh hưởng của hiện tượng En Nino. Thời tiết chủ yếu nắng nóng, không có mưa; mực nước các sông suối cạn kiệt nhanh. Dự báo mùa mưa trên địa bàn tỉnh có khả năng bắt đầu vào tuần đầu tháng 5/2019. 
Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tại các hồ chứa thủy lợi lớn còn khoảng 50% dung tích thiết kế, các hồ vừa và nhỏ phổ biến còn khoảng 20 - 40%; một số hồ có nhỏ, lưu vực hạn chế, không có dòng chảy đến đã cạn khô (23 hồ do công ty quản lý); mực nước các sông suối duy trì ở mức thấp, mực nước ngầm giảm sâu. Một số vùng đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Toàn tỉnh đã có khoảng 300 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu diện tích sản xuất ngoài kế hoạch, không có nguồn nước chống hạn. Căn cứ thông tin dự báo thời tiết, tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn hiện nay, dự kiến trong thời gian tới, mức độ hạn hán sẽ tăng cao, tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra trên diện rộng, đặc biệt trong thời kỳ cuối vụ Đông Xuân. 
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9515/UBND-NNMT ngày 01/11/2018, về triển khai công tác ứng phó với hạn hán trong vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019, để chủ động thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kịp thời triển khai các nội dung sau:
1. Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn; chủ động triển khai phương án phòng chống hạn do địa phương, đơn vị xây dựng và phê duyệt, tăng cường công tác quản lý nguồn nước, lập kế hoạch điều tiết từng công trình thủy lợi cấp nước chống hạn phù hợp theo thứ tự ưu (cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và các ngành công nghiệp, dịch vụ, tưới cây công nghiệp lâu năm) đảm bảo tiết kiệm, đề phòng xảy ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng, nhất là thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
2. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình khô hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt để vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; huy động các lực lượng lao động tại địa phương tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống hạn (nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm, đào ao, hồ, giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến sẵn sàng phục vụ bơm tưới, …).
3. Chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn cấp bách kịp thời, hiệu quả, theo phương châm bốn tại chỗ. Các địa phương, có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt gây dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
4. Thường xuyên báo cáo tình hình hạn hán, công tác chống hạn, thiệt hại do hạn gây ra (theo Thông tư 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT); tổng hợp chi phí chống hạn vượt định mức (nếu có) theo mẫu đính kèm, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh); địa chỉ: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh - Số 47 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; điện thoại: 05003.956927, Fax: 05003.958473, Email: pcttdaklak@gmail.com vào thứ 4 hàng tuần.
Chi tiết tại đây.

 Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đắk Lắk 

Thống kê truy cập

Đang truy cập 9
Tổng truy cập 2.677.141

Bản đồ hành chính

Liên kết website