Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
  • 07/07/2024
  • 47

Do ảnh hượng của hiện tượng El Nino và tác động của biến đổi khí hậu, mùa mưa năm 2023 trên địa bàn tỉnh bắt đầu muộn hơn (khoảng 10-15 ngày) so với trung bình nhiều năm (TBNN) và kết thúc vào khoảng đầu tháng 11; tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN; một số khu vực thấp hơn TBNN như Ea H’leo đạt 85,5%, Krông Năng đạt 86,7%). 

Mùa khô năm 2023-2024 thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến ít mưa, nắng nóng kéo dài. Tổng lượng mưa từ tháng 12/2023 đến 4/2024 trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ (TBNNCK) từ 30-100%; so với mùa khô của 2 năm El Nino gần đây là 2015-2016 và 2019-2020 thì lượng mưa trong mùa khô năm nay biến động; nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn TBNNCK từ 0,5 - 2,3 oC, đặc biệt tại trạm Buôn Ma Thuột và Ea H’leo đã đo được nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử (cụ thể tại Buôn Ma Thuột vượt 0,7 oC và tại Ea H’leo 0,9 oC). 

Tổng lượng nước mặt trên sông Krông Ana tại Trạm thủy văn Giang Sơn ở mức thấp hơn TBNNCK từ 5-25%, so với năm 2015-2016 thì tổng lượng nước mặt cao hơn từ 10-100% và so với 2019-2020 thì cao hơn 10-50%.

Về mực nước trong các hồ chứa thủy lợi ở mức thấp, tại thời điểm đầu tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh có 74/619 hồ đã cạn nước; 178/619 hồ có dung tích đạt dưới 50%; số còn lại chỉ đạt ở mức từ 50-70%.

Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, cụ thể:

Trong vụ Đông Xuân 2023-2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 27.284 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước; trong đó có 1.453 ha bị mất trắng, 20.290 ha bị thiệt hại từ 30-70%, diện tích còn lại thiệt hại nhẹ dưới 30%. Ước tính thiệt hại hơn 165 tỷ đồng (chi tiết như Phụ lục 1 kèm theo). Trong vụ sản xuất Hè Thu năm 2024 hiện nay bà con đang xuống giống, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, không có diện tích nào bị dừng sản xuất do hạn hán, thiếu nước. Tuy nhiên với tình hình nguồn nước như hiện nay, khả năng hạn hán ảnh hưởng đến khoảng 3.000 - 4.000 ha cây trồng các loại.

Về nước sinh hoạt: Tại thời điểm cao điểm nhất của mùa khô năm 2024 (cuối tháng 4/2024), trên địa bàn tỉnh có 4.175 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước (trong đó có 2.252 hộ dân sử dụng nước giếng, các hộ dân phải chủ động lấy nước của các hộ xung quanh để sử dụng và 1.923 hộ phải thực hiện cấp nước luân phiên từ các công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý). Từ cuối tháng 4/2024 đến nay, trên địa bàn đã có mưa, tình trạng thiếu nước đã cơ bản được giải quyết.

Công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương

Trên cơ sở Bản tin nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 5036/UBND-NNMT ngày 15/6/2023, về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, trong đó yêu cầu các Sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện tập trung, chủ động thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành phòng chống hạn từ sớm, từ xa, không để bị động trong công tác phòng, chống hạn.

Triển khai thực hiện nội dung Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024, về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 19/4/2024, yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước; Công văn số 5036/UBND-NNMT ngày 15/6/2023, về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; Công văn số 1630/UBND-NNMT ngày 29/02/2024, về việc thực hiện các giải pháp chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024; Phương án số 2049/PA-UBND ngày 14/3/2024, về ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, chỉ đạo các địa phương, các Sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời triển khai các giải pháp căn cơ để ứng phó từ sớm, từ xa với tình hình hạn hán, thiếu nước; chỉ đạo các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ trách tưới; lưu ý thực hiện giải pháp tích trữ nước phân tán, trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức Đoàn kiểm tra thực tế, chỉ đạo điều hành công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước tại các địa phương.

UBND cấp huyện và các đơn vị trong tỉnh: Trên cơ sở nội dung Chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị nhằm chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã bám sát, chỉ đạo kịp thời từ sớm, từ xa nên công tác chỉ đạo điều hành phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện chủ động. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh làm tốt nhiệm vụ điều phối liên ngành, kịp thời kiểm tra, theo dõi và chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng hạn hán, thiếu nước; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân dùng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và trong sản xuất, nhất là thông qua hệ thống truyền thông sơ sở và qua mạng xã hội như zalo, facebook,... Các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác chống hạn; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ tốt cho sản xuất, hạn chế phần nào thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.  

Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số khó khăn trong công tác ứng phó với hạn hán như: 

Vấn đề chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và màu. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng cây cà phê và hồ tiêu khá lớn, phần diện tích này không thể điều chỉnh theo thời vụ, do đó khi thời tiết bất lợi xảy ra thiếu nước tưới đã gây thiệt hại lớn về kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Nguồn nước chủ động phục vụ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt đối với diện tích cây lâu năm nên thời kỳ cuối vụ thường xuyên bị thiếu nguồn nước để chống hạn.

Vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm còn hạn chế nhất là ở các vùng sâu, vùng xa dẫn đến một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước còn lãng phí.

Kinh phí phục vụ chống hạn và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra còn rất hạn chế.

Trong công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống hạn hán trong mùa khô năm 2023-2024, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Làm tốt công tác chỉ đạo điều hành trong phòng chống thiên tai. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp chống hạn; thông tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết bất thường và nguy cơ có thể xảy ra hạn hán đến các cấp, các ngành, đặt biệt là cấp cơ sở và đến tận người dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng chống chống thiên tai của các cấp chính quyền cũng như mọi tầng lớp nhân dân nhằm chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Khi xảy ra hạn hán cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo chính quyền các cấp về thực hiện các giải pháp ứng phó khẩn cấp cũng như kế hoạch khắc phục hậu quả theo tứ tự ưu tiên cung cấp nguồn nước: Cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ chăn nuôi, cấp nước tưới cho cây giống, cây công nghiệp có giá trị cao,...

Cần tranh thủ huy động đa dạng các nguồn lực để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán đảm bảo sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương do hạn hán gây ra.
 

Thống kê truy cập

Đang truy cập 93
Tổng truy cập 2.895.671

Bản đồ hành chính

Liên kết website