Triển khai Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ
  • 08/09/2018
  • 1905

Trước tác động biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là những loại thiên tai nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng, đời sống của người dân và sự phát triển bền vững. Thực hiện Chỉ thị số: 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngày 22/8/2018 UBND tỉnh ban hành công văn số 7082/UBND-NN&MT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 
- Đẩy mạnh công tác bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
- Chỉ đạo các chủ quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn; chủ đập chuẩn bị vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ đang trong tình trạng xung yếu.
- Chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi lịch thời vụ và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù thiên tai từng vùng, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho người dân.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước.
3. Sở Giao thông Vận tải: 
- Chủ động các giải pháp đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, nhất là các đoạn đường Quốc lộ, tỉnh lộ thường xảy ra sạt lở, ngập lụt; chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trên các tuyến đường giao thông thuộc thẩm quyền quản lý trong thời gian nhanh nhất.
- Sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh khắc phục sự cố giao thông do ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây ra.
4. Sở Tài chính: Chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí ngân sách cấp huyện để thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn; đồng thời tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách để chủ động hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường thông tin về hoạt động phòng chống thiên tai qua hệ thống phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để các thông tin dự báo, cảnh báo, văn bản chỉ đạo về phòng chống thiên tai của các cấp đến từng thôn, buôn, hộ dân kịp thời nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Theo dõi, kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác đảm bảo an sinh xã hội khi xảy ra thiên tai; đồng thời chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai theo quy định.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chỉ đạo các địa phương tổ chức củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng thôn, buôn với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.
8. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng công an huyện làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, chủ động bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò, ngầm tràn, đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Triển khai chương trình phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn biện pháp phòng tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông qua phóng sự ngắn, tọa đàm, phim tài liệu; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
10. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
- Đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tới các thôn, buôn có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
- Chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà roát, xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cắm biển cảnh báo để người dân đề phòng nguy hiểm.
- Tăng cường phổ biến đến từng thôn, buôn, hộ dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức như tập huấn, in phát tờ rơi, sổ tay, xây dựng phim tài liệu tuyên truyền, ...
11. Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã, Thành phố
- Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống của người dân.
- Đối với các trường học, khi đầu tư xây dựng lại hoặc xây dựng mới cần được đầu tư kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai, có thể kết hợp làm nơi sơ tán, tránh trú cho người dân khi xảy ra thiên tai.
- Kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như: Đào núi xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình, chặn dòng trữ nước trái quy định, ...
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng hoạt động điều tiết của các hồ chứa nước được giao quản lý trên địa bàn, nhất là các công trình bị xuống cấp không đảm bảo an toàn, có phương án xử lý kịp thời; tổ chức kiểm tra, xử lý các hoạt động gây tắc nghẽn  dòng chảy, nhất là các khe suối cạn để phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét khi mưa lớn.
- Rà soát các giải pháp ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo phù hợp tình hình từng địa bàn cụ thể; chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết chủ động ứng phó theo phương châm bốn tại chỗ.

Nội dung chi tiết tại đây.

Thống kê truy cập

Đang truy cập 544
Tổng truy cập 3.858.991

Bản đồ hành chính

Liên kết website